An ninh nguồn nước và an toàn hồ đập: Tư duy, tầm nhìn, hành động mới

An ninh nguồn nước và an toàn hồ đập: Tư duy, tầm nhìn, hành động mới

TS. Phùng Quốc Hiển

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội

23:23, ngày 02-01-2021

TCCS - Vấn đề an ninh nguồn nước và an toàn hồ đập là một trong những nội dung quan trọng, liên quan đến phát triển bền vững và ổn định chính trị, đến chủ quyền quốc gia. Cùng với quá trình phát triển kinh tế - xã hội, quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, sự gia tăng của dân số và nhu cầu sử dụng nước phục vụ sản xuất, đời sống ngày càng tăng nhanh, trong khi việc sử dụng, quản lý nguồn nước và xử lý ô nhiễm chưa được xử lý tốt. Điều này đặt ra cho Việt Nam những thách thức không nhỏ, cần có tư duy, tầm nhìn và hành động đem lại hiệu quả trong bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn hồ đập.

pho chu tich quoc hoi phung quoc hien tham va lam viec tai tinh lao caiỦy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cùng đoàn công tác khảo sát nguồn nước tại xã A Mú Sung, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai_Ảnh: TTXVN

Nguy cơ mất an ninh nguồn nước và an toàn hồ đập là thách thức hiện hữu trong cả hiện tại và tương lai

Việt Nam có 3.450 con sông, suối lớn nhỏ, với chiều dài từ 10km trở lên, tổng lượng nước mặt trung bình hằng năm hiện nay khoảng 830 tỷ mét khối, nhưng 63% nguồn nước mặt tạo ra bởi các lưu vực sông nằm ngoài lãnh thổ. Trong đó có hai con sông lớn là sông Cửu Long với 90% lưu vực sông nằm ngoài lãnh thổ Việt Nam, sông Hồng với trên 50% lưu vực sông nằm ngoài lãnh thổ Việt Nam. Do đó, có thể nói nguồn nước của Việt Nam phụ thuộc nhiều vào lưu vực, các con sông bắt nguồn từ nước ngoài. Do vậy, chúng ta gặp khó khăn trong việc chủ động quản lý, khai thác nguồn nước như tổng lượng dòng chảy, chế độ dòng chảy, nguồn phù sa, nguồn lợi thủy sản tự nhiên... chưa kể việc ứng xử của một số quốc gia ở thượng nguồn làm ảnh hưởng đến nguồn nước chảy vào Việt Nam. Thực tế tình trạng xâm ngập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long có một phần là do nguyên nhân thiếu nước đầu nguồn.

Biến đổi khí hậu với thời tiết cực đoan tạo ra những biến đổi khó lường gây ra tình trạng hạn hán kéo dài ở một số tỉnh, như Ninh Thuận, Bình Thuận; nước biển dâng, thiếu nước đầu nguồn làm gia tăng tình trạng xâm ngập mặn ở nhiều tỉnh, nhất là Tây Nam Bộ gây thiệt hại lớn đến sản xuất, nhiều vùng nước ngọt sinh hoạt thiếu nghiêm trọng. Nông dân và nhiều doanh nghiệp phải tạm ngừng sản xuất hoặc chỉ sản xuất cầm chừng. Hàng trăm nghìn héc-ta lúa, cây ăn quả bị thiệt hại nặng nề.

Một kịch bản xấu có thể xảy ra là đến năm 2050 nước biển dâng cho toàn dải ven biển Việt Nam từ 21cm đến 25cm và đến năm 2100 từ 44cm đến 73cm(1). Đó là chưa kể nước dâng do bão, thủy triều ven bờ, do sụt lún đất vì khai thác nước ngầm quá mức, có thể làm cho 10% diện tích đồng bằng sông Hồng, 15% diện tích đồng bằng sông Cửu Long, 14% diện tích Thành phố Hồ Chí Minh, 20% đến 30% diện tích các tỉnh Thái Bình, Nam Định, Hậu Giang, Cà Mau cuối thế kỷ này bị ngập nước, ảnh hưởng đến khoảng 20 triệu người dân và hàng trăm nghìn doanh nghiệp. Vấn đề kiểm soát mặn, giữ ngọt, ngăn nước biển dâng làm sạt lở bờ biển của suốt dải đất từ Tiền Giang đến Cà Mau, Kiên Giang đang trở nên cấp bách hơn bao giờ hết.

Đất nước ta có nhiều vùng, tiểu vùng khí hậu khác nhau, có các mùa khác nhau. Sự phân bổ tự nhiên về nguồn nước không đồng đều cả về thời gian và không gian, mất cân bằng giữa nhu cầu dùng nước và khả năng dự trữ nước. Nhiều người cho rằng, Việt Nam thừa nước ngọt nhưng thực tế theo tiêu chí của quốc tế thì Việt Nam là quốc gia thiếu nước. Nguy cơ này càng trở nên trầm trọng do biến đổi khí hậu, tăng dân số và tăng trưởng nóng kinh tế. Chúng ta có nhiều cố gắng để khắc phục nhưng mới chỉ đáp ứng 37% nhu cầu tưới tiêu, còn 63% vẫn phải trông chờ vào nước tự nhiên và hệ thống bơm từ các sông, ngòi. Bên cạnh đó, sự liên thông các hồ đập, điều hòa nước giữa các hồ đập, đưa nước từ nơi thừa đến nơi thiếu, khả năng dự trữ nước ở các con sông, ao hồ, kênh rạch đang ở mức độ thấp, chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra.

Một vấn đề đáng quan tâm, mặc dù thiếu nước nhưng hiệu quả sử dụng nước của chúng ta đem lại cho tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) còn thấp, mỗi mét khối nước mới chỉ tạo ra 2,37 USD GDP, bằng 1/8 so với mức trung bình toàn cầu là 19,42 USD GDP(2).

Do tăng trưởng của nền kinh tế với tốc độ bình quân 7% trong gần 35 năm đổi mới và tốc độ đô thị hóa cao từ 38% đến 40%, dân số tăng nhanh với khoảng 96 triệu người đã làm gia tăng nhu cầu sử dụng nước, đồng thời cũng tăng tình trạng ô nhiễm nguồn nước. Việc đắp đập làm thủy lợi, thủy điện, lấp ao hồ, sông suối để phát triển đô thị, khu công nghiệp, du lịch, dịch vụ... đã dẫn tới hầu hết các con sông chính ở Việt Nam đều bị ô nhiễm với các mức độ khác nhau, nhất là vùng trung và hạ lưu nơi tập trung đông dân cư, các khu công nghiệp, các làng nghề, tình trạng nhiều con sông, suối bị chết, nguồn nước dự trữ ở ao hồ, kênh rạch bị ô nhiễm nặng nề, nguồn nước ngầm bị sử dụng bừa bãi, thiếu quản lý... trở thành thách thức lớn với vấn đề an ninh nguồn nước cả hiện tại và tương lai.

gia lai tang cuong dam bao an toan ho dap thuy dien va phong tranh lu lut vung ha du mua mua baoKiểm tra cửa xả lũ điều tiết nước hồ thủy điện Sê San 4 (tỉnh Kon Tum)_Ảnh: TTXVN

Một vấn đề lớn khác cũng được đặt ra, đó là an toàn hồ đập. Sự phát triển của hệ thống thủy lợi, thủy điện của chúng ta có lịch sử, từ thời phong kiến, Pháp thuộc và sau năm 1945 đến nay. Với 86.202 công trình thủy lợi trong đó có 6.998 đập, hồ chứa thủy lợi. Bên cạnh đó, 500 hồ chứa thủy điện đi vào vận hành và khoảng 300 dự án thủy điện đang triển khai xây dựng và chuẩn bị đi vào vận hành, trong đó có các hồ lớn, như thủy điện Hòa Bình 9 tỷ mét khối nước, Thác Bà 2,9 tỷ mét khối nước. Như vậy nếu tính cả hồ, đập thủy điện và thủy lợi đã có và sẽ hình thành trong thời gian tới thì cả nước có khoảng 7.800 hồ, đập lớn nhỏ với dung tích 74 tỷ mét khối nước. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu cực đoan như hiện nay, lũ lụt xảy ra thường xuyên với cường độ cao, tình trạng không ổn định của địa chất, hiện tượng đứt gãy dẫn tới động đất ở một số vùng cùng với 1.730 hồ, đập thủy lợi bị xuống cấp, trong đó có 1.200 hồ, đập cần sửa chữa và 200 hồ hư hỏng nặng cần sửa chữa khẩn cấp thì vấn đề an toàn hồ đập trở nên vô cùng cấp bách, cần được đặc biệt quan tâm, chú trọng, ảnh hưởng lớn đến an ninh nguồn nước, an toàn cho sản xuất và đời sống.

Vấn đề bảo vệ và phát triển rừng ảnh hưởng trực tiếp tới an ninh nguồn nước. Hiện nay, toàn quốc có khoảng 14,55 triệu héc-ta rừng, tỷ lệ che phủ đạt 41,85% nhưng diện tích rừng đầu nguồn có khả năng sinh thủy lớn chỉ đạt 6,78 triệu héc-ta. Qua khảo sát cho thấy, rừng sản xuất trồng những cây mang mục đích kinh tế, có hiệu quả cao thì khả năng sinh thủy kém, gây thoái hóa đất, làm giảm mạnh thực bì và độ phì của đất. Đối với mức đầu tư dịch vụ bảo vệ rừng bình quân mới đạt 300.000 đồng/ha/năm, còn thấp so với mức thu nhập, chi phí để người dân, các tổ chức có thể sống và yên tâm bảo vệ rừng. Đây cũng là nguyên nhân rừng đầu nguồn bị thu hẹp, bị cháy, bị tàn phá, lấn chiếm, làm khả năng sinh thủy tại chỗ bị giảm sút nghiêm trọng, ảnh hưởng đến an ninh nguồn nước.

Thực trạng công tác quản lý nhà nước về an ninh nguồn nước và an toàn hồ đập

Hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật từ Luật Tài nguyên nước, Luật Thủy lợi, Luật Điện lực, Luật Đê điều, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Đất đai, Luật Lâm nghiệp... đến các nghị định, thông tư liên quan đến công tác an ninh nguồn nước phục vụ sản xuất, đời sống và an toàn hồ đập trong thời gian qua được xây dựng khá đầy đủ, cùng với các điều ước quốc tế tạo ra cơ sở pháp lý cho công tác quản lý bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn hồ đập. Song cũng cần nhận thấy rằng, vẫn còn khoảng trống, bất cập, chưa bao quát hết các vấn đề cần phải quản lý để bảo đảm an ninh nguồn nước, an toàn hồ đập. Chế tài xử lý các hành vi vi phạm chưa nghiêm. Công tác phân công, phân nhiệm làm rõ vai trò, trách nhiệm giữa các bộ, ngành, giữa Trung ương và địa phương còn có mặt hạn chế, còn gây chồng chéo và lúng túng trong quá trình điều hành, vận hành và quản lý trong thực tế.

Công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch còn nhiều bất cập, thiếu tầm nhìn; tính liên kết, liên thông mang tính vùng, khu vực còn nhiều hạn chế. Tình trạng “bấc đến đâu, dầu đến đấy”, “nước đến chân mới nhảy” vẫn diễn ra ở mức độ khác nhau. Công tác tổ chức thực hiện bảo đảm đúng quy hoạch chưa thật tốt, vẫn còn tình trạng phá vỡ quy hoạch, không bảo vệ được quy hoạch, bị lấn chiếm làm các mục đích khác ảnh hưởng đến bảo vệ lưu vực sông, nguồn nước, dòng chảy, công trình thủy lợi, thủy điện, đê điều vẫn diễn ra.

Công tác đầu tư, bố trí nguồn lực còn mất cân đối; bố trí vốn không đủ, thiếu đồng bộ; quá trình chuẩn bị đầu tư, thiết kế, thẩm định của một số dự án chưa tốt; sự phối hợp giữa Trung ương và địa phương chưa chặt chẽ dẫn tới nhiều công trình, dự án dở dang, chậm đưa vào khai thác ảnh hưởng đến việc cung cấp nước phục vụ cho sản xuất và đời sống.

Công tác vận hành, điều phối, quản lý hệ thống hồ, đập, kênh dẫn cung cấp và tiêu thoát nước cũng còn một số hạn chế, như cung cấp nước cho sản xuất, đời sống không kịp thời, có nơi xả lũ không báo trước ảnh hưởng đến đời sống nhân dân ở hạ lưu.

Vấn đề tài chính để bảo đảm nguồn lực thực hiện an ninh nguồn nước và an toàn hồ đập chưa được chú ý đúng mức. Những năm qua, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, việc đầu tư của Nhà nước cho lĩnh vực thủy lợi, thủy điện, bảo vệ và phát triển rừng, bảo đảm tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp, cung cấp nước cho công nghiệp, nước sạch cho sinh hoạt là vô cùng lớn. Người dân được hưởng các chính sách của Nhà nước, như không thu tiền dịch vụ thủy lợi, giá nước cho sản xuất và sinh hoạt thấp hơn giá thành... Nhờ các chính sách đầu tư trực tiếp và gián tiếp của Nhà nước mà hiện nay chúng ta có trên 900 hệ thống thủy lợi có quy mô tưới từ 200 héc-ta trở lên và 122 hệ thống thủy lợi vừa và lớn có quy mô phục vụ trên 2.000 héc-ta trở lên, đáp ứng khoảng 54,1% đất canh tác nông nghiệp cần tưới, nơi cao nhất là đồng bằng sông Hồng khoảng 98%, nơi thấp nhất là Tây Nguyên khoảng 28%. Đó là một thành tựu lớn, song lại là một thách thức không nhỏ, do nhu cầu nguồn lực trong hiện tại và tương lai vô cùng lớn, để ngăn mặn, giữ ngọt, ngăn nước biển dâng, chống hạn hán, xây dựng hệ thống thủy lợi bảo đảm tưới tiêu cho 45,9% diện tích canh tác còn lại chưa được tưới tiêu; duy tu, bảo dưỡng, duy trì hoạt động cho hơn 86.000 công trình thủy lợi, hàng nghìn công trình cấp nước sạch sinh hoạt và cần nguồn vốn ngay để khắc phục, sửa chữa hơn 1.200 công trình hồ, đập bị xuống cấp và mất an toàn. Nguồn lực này lại chủ yếu là ngân sách nhà nước, còn nguồn thu từ người dân, doanh nghiệp là không đáng kể. Đây là một vấn đề lớn đặt ra gánh nặng cho ngân sách, trong điều kiện nợ công của chúng ta còn ở mức cao, các công trình đầu tư hoàn toàn phải đi vay. Việc cho không, bán rẻ cũng là nguyên nhân dẫn tới sử dụng nước ngọt lãng phí và nhiều sản phẩm nông nghiệp không phản ánh đúng chi phí bỏ ra. Đây là cơ chế phi thị trường và nặng về bao cấp, lâu dài sẽ làm triệt tiêu động lực phát triển, không kêu gọi được các nhà đầu tư ở các thành phần kinh tế tham gia vào lĩnh vực thủy lợi.

da miCông ty Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi triển khai xây dựng nhà máy điện mặt trời nổi đầu tiên lớn nhất Viật Nam trên hồ thủy điện Đa Mi (tỉnh Bình Thuận)_Ảnh: TTXVN

Mục tiêu, quan điểm, phương châm chỉ đạo và giải pháp

Từ những phân tích trên, chúng ta cần đề ra mục tiêu, phương châm chỉ đạo và các giải pháp để có thể giải quyết được các vấn đề đặt ra bảo đảm an ninh nguồn nước, an toàn hồ đập, xử lý được các vấn đề lâu dài do biến đổi khí hậu, nước biển dâng, xâm ngập mặn và thiếu nước ngọt cho cả hiện tại và tương lai. Để hướng tới mục tiêu, đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập Nước: Trở thành nước phát triển, có thu nhập cao, chúng ta phải chủ động được nguồn nước ngọt đáp ứng được yêu cầu phát triển của đất nước; bảo đảm chủ động tưới tiêu khoa học, hiện đại cho 100% diện tích canh tác; đủ nước cho công nghiệp và dịch vụ; đáp ứng nước sinh hoạt đạt tiêu chuẩn cho 115 triệu dân đến 120 triệu dân trong tương lai, cả ở thành thị và nông thôn. Hệ thống thủy lợi phải liên thông theo khu vực, vùng, tỉnh, huyện và điều tiết được từ nơi thừa nước đến nơi thiếu nước một cách khoa học; chủ động tiêu úng, chống lũ lụt hiệu quả; bảo đảm ngăn được xâm ngập mặn, sạt lở bờ biển và nước biển dâng lấn vào đất liền.

Với mục tiêu lớn đặt ra như vậy, cần phải có quan điểm và phương châm chỉ đạo, như sau:

Một là, cần đổi mới tư duy trong hoạch định, tổ chức, lãnh đạo và kiểm soát đối với an ninh nguồn nước, an toàn hồ đập, chống biến đổi khí hậu, coi đây là mục tiêu, nhiệm vụ tổng hợp, cấp bách, lâu dài, liên tục, thống nhất và xuyên suốt từ Trung ương đến địa phương, từ chính quyền đến doanh nghiệp và người dân.

Hai là, coi nước là hàng hóa đặc biệt, thực hiện nguyên tắc thị trường, từng bước tính đúng, tính đủ giá dịch vụ nước sản xuất và sinh hoạt. Thực hiện phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, đối tác công - tư; phân kỳ đầu tư, có trật tự ưu tiên, cấp bách làm trước, lâu dài làm từng bước, phải có đột phá để xử lý vấn đề khó.

Ba là, để chủ động nguồn nước không bị phụ thuộc bên ngoài, cần thực hiện phương châm bốn tại chỗ: sinh thủy tại chỗ; giữ nước tại chỗ; bảo vệ tại chỗ; điều hành, vận hành, phân phối tại chỗ. Sinh thủy tại chỗ là nhờ chúng ta khoanh nuôi, bảo vệ, trồng rừng bằng tập đoàn cây bản địa; giữ cho được và mở rộng, nâng cao chất lượng rừng đầu nguồn, là nơi sinh thủy; hạn chế trồng rừng kinh tế đối với các loại cây kém sinh thủy, hủy hoại và bào mòn đất đai. Đầu tư nghiên cứu khoa học - công nghệ, ứng dụng công nghệ lọc nước biển, nước lợ làm nước ngọt tại chỗ. Giữ nước tại chỗ là phải bảo vệ, giữ được các ao, hồ nhân tạo và tự nhiên; các con sông, kênh, rạch, mương có thể trữ được nước ngọt tại chỗ. Tăng cường công tác bảo vệ nguồn nước, ao, hồ, sông, suối chống ô nhiễm tại chỗ; từng địa phương, doanh nghiệp, người dân cần tự mình có ý thức bảo vệ và có chế tài xử lý đối với các hành động gây ô nhiễm môi trường. Điều hành, vận hành phân phối tại chỗ bảo đảm sử dụng nước an toàn, hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả, tránh chồng chéo, tránh ỷ lại, phải chủ động xử lý khi có tình huống theo quy chế vận hành.

Bốn là, áp dụng, ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ tiên tiến; nghiên cứu khoa học, kỹ thuật, công nghệ đáp ứng yêu cầu thực tế trên nền tảng của kỹ thuật số, tự động hóa, vật liệu mới, công nghệ sinh học, công nghệ bảo vệ môi trường, công nghệ thi công theo phương thức mới... để tổ chức thiết kế, thi công, quản lý và vận hành hệ thống công trình thủy lợi, quản lý nguồn nước, chất lượng nước.

Năm là, tăng cường quan hệ quốc tế với các tổ chức quốc tế, các nước trong khu vực, ký kết và tổ chức thực hiện các hiệp định để bảo vệ môi trường, bảo vệ các lưu vực sông, phối hợp, điều hòa nguồn nước hợp lý, hạn chế ở mức cao nhất sự tác động của con người vào tự nhiên, làm phá hoại môi trường tự nhiên, nhất là đối với lưu vực sông Mê Kông, sông Hồng... Cần phải khẳng định rằng, chỉ có tăng cường hợp tác quốc tế chúng ta mới có thể bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn hồ đập.

Để thực hiện được các mục tiêu, phương châm chỉ đạo trên, cần có các giải pháp sau đây:

Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật một cách đồng bộ, toàn diện bảo đảm cơ sở pháp lý đầy đủ cho quản lý tài nguyên nước, thủy lợi, thủy điện, đê điều, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai. Cần hoàn thiện các quy chuẩn, tiêu chuẩn về chất lượng nước, nhất là nước phục vụ cho sinh hoạt, cho sản xuất nông nghiệp; có quy định về hành lang thoát, xả lũ; vấn đề xây dựng các công trình, nhà cửa và cơ sở sản xuất ven sông, ven biển, nhất là những vùng dễ xảy ra lũ lụt và sạt lở đất.

Thứ hai, tập trung rà soát, bổ sung xây dựng và phê duyệt quy hoạch tài nguyên nước quốc gia, quy hoạch hệ thống thủy lợi quốc gia, hệ thống đê điều quốc gia, nhất là ở lưu vực sông Hồng, sông Cửu Long và khu vực miền Trung. Trên cơ sở đó, xây dựng chiến lược bảo đảm an ninh nguồn nước đến năm 2045 và tầm nhìn đến cuối thế kỷ XXI. Bố trí nguồn lực, phân kỳ đầu tư, huy động sức mạnh của quốc gia và sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế để tổ chức thực hiện tốt các chiến lược này.

Thứ ba, nâng cao trách nhiệm và tăng cường phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương trong quản lý nhà nước về an ninh nguồn nước, an toàn hồ đập, tránh chồng chéo; rà soát lại việc phân cấp quản lý giữa Trung ương và địa phương về quản lý nguồn nước và an toàn hồ đập (một số địa phương giao cho cấp xã quản lý một số hồ, đập vừa, thậm chí lớn là không phù hợp với năng lực quản lý của cấp xã). Hoàn chỉnh việc xây dựng hệ thống giám sát tài nguyên nước, giám sát hoạt động khai thác, quy chế vận hành các hồ đập thủy lợi, thủy điện bảo đảm phục vụ cho sản xuất, sinh hoạt và tiêu thoát lũ.

Thứ tư, nghiên cứu, đề xuất các phương án thực hiện liên thông giữa các hồ, công trình thủy lợi ở từng địa phương, tiến tới khu vực, vùng miền và toàn quốc nhằm xây dựng mạng lưới thủy lợi quốc gia trong tương lai, chủ động phân phối nước, đưa nước từ nơi thừa sang nơi thiếu, chủ động tiêu thoát nước, xả lũ, ngăn mặn, giữ ngọt. Nạo vét, khai thông, xây dựng các ao, hồ, đập, sông, suối, các kênh, rạch để có thể trữ nước ngọt, đồng thời có các cơ chế, chính sách, nguồn lực đầu tư nhằm chống ô nhiễm, bảo vệ nguồn nước. Nghiêm cấm việc san lấp ao hồ, sông suối trái quy hoạch, có chế tài xử lý, nghiêm cấm các hành vi gây ô nhiễm, cản trở dòng chảy, làm hư hại, lấn chiếm khu vực bảo vệ hồ đập, đê điều, phá hoại môi trường tự nhiên. Đi liền với đó là tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức cho người dân, doanh nghiệp và cả hệ thống chính trị đối với vấn đề bảo đảm an ninh nguồn nước, an toàn hồ đập.

Thứ năm, thực hiện kế hoạch đầu tư dài hạn đối với công tác bảo vệ nguồn nước, hệ thống đê điều, hệ thống thủy lợi, hệ thống cung cấp nước sạch. Đồng thời, thực hiện cơ chế thị trường đối với giá dịch vụ nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất theo nguyên tắc Nhà nước và nhân dân cùng làm, từng bước tính đủ theo quy định của Luật Thủy lợi về giá nước phục vụ sản xuất và đời sống, có lộ trình hỗ trợ hợp lý cho nông dân, cho hộ nghèo, hộ yếu thế theo xu thế giảm dần sự bao cấp của Nhà nước. Khuyến khích hạch toán kinh tế, sử dụng nước có hiệu quả sẽ giảm áp lực tình trạng thiếu nước. Giải pháp sử dụng hiệu quả cần được tổ chức một cách tổng hợp bằng các biện pháp quản lý, biện pháp kinh tế, biện pháp kỹ thuật, khoa học  - công nghệ, biện pháp tổ chức lại sản xuất.

Thứ sáu, cần xây dựng một kịch bản ứng phó xâm ngập mặn, nước biển dâng với phương châm là chặn nước biển dâng, gắn với lấn biển không lùi, giữ cho được “hình thể” đất nước, các vùng biển, đảo thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam. Thực hiện phương châm sống chung với sự biến đổi của môi trường. Do đó, vấn đề quai đê, lấn biển, chống sạt lở bờ biển, ngăn nước biển dâng cần được tính toán và tiến hành ngay từ bây giờ.

TD Son laĐập thủy điện Sơn La_Ảnh: Tư liệu

Thứ bảy, cần bố trí nguồn lực và kinh phí để sửa chữa sớm 200 hồ đập bị hư hỏng nặng ở 33 tỉnh; có kế hoạch để trong 2 năm tới sửa chữa 1.000 hồ, bố trí nguồn lực từ kế hoạch đầu tư công trung hạn nhằm thực hiện ngay các mục tiêu, cơ chế để bảo đảm an ninh nguồn nước, an toàn hồ đập với một số nhiệm vụ cấp bách, cần thiết. Nghiên cứu nâng mức kinh phí dịch vụ bảo vệ rừng lên gấp 2 lần so với giai đoạn 2015 - 2020, cuối năm 2025 và giai đoạn sau phải đạt 1 triệu đồng/ha/năm, nguồn lực lấy từ ngân sách và tăng tiền đóng góp của các doanh nghiệp thủy điện.

Thứ tám, tiếp tục thực hiện tốt Hiệp định Hợp tác phát triển bền vững lưu vực sông Mê Kông năm 1995 giữa Việt Nam, Lào, Cam-pu-chia, Thái Lan, Hiệp định về Quy chế sử dụng nước dọc biên giới giữa Việt Nam và  Cam-pu-chia, Công ước về Luật Sử dụng các nguồn nước liên quốc gia cho các mục đích phi giao thông thủy năm 1997, Hợp tác Mê Kông - Lan Thương,...

Trên tinh thần đó, Chính phủ cần sớm xây dựng đề án phát triển và bảo đảm an ninh nguồn nước, an toàn hồ đập giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trình Quốc hội xem xét quyết định. Từ đó, xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về bảo đảm an ninh nguồn nước, an toàn hồ đập trong giai đoạn đầu của chiến lược dài hạn./.

------------------------------

(1) Bộ Tài nguyên và Môi trường: Kịch bản biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng cho Việt Nam, Nxb. Tài nguyên - Môi trường và Bản đồ Việt Nam, Hà Nội, 2016
(2) Báo cáo: Việt Nam: Hướng tới một hệ thống nước an toàn, sạch và bền vững, Ngân hàng Thế giới, 2019

Read 2629 times
Rate this item
(1 Vote)
  • Tin xem nhiều nhất
  • Tin mới nhất
  • Gặp mặt nguyên các lãnh đạo Liên đoàn nhân dịp đón xuân Tân Sửu 2021
    Nhân dịp đón xuân mới, Xuân Tân Sửu– 2021, sáng ngày 28/01/2021, tại trụ sở Liên đoàn số 10, ngõ…
    Thứ năm, 28 Tháng 1 2021
  • THÔNG BÁO TUYỂN DỤNG
    Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Bắc thông báo tuyển dụng viên chức năm 2021…
    Thứ sáu, 02 Tháng 4 2021
  • Nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật mừng Đảng, mừng Xuân
    Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức chuỗi chương trình nghệ thuật mừng Đảng, mừng Xuân Quý…
    Thứ bảy, 21 Tháng 1 2023
  • Happy New Year 2025 from NVWATER
    On the occasion of the New Year 2025, on behalf of the Northern Division for Water Resources Planning and Investigation…
    Thứ ba, 31 Tháng 12 2024
  • LIÊN ĐOÀN QUY HOẠCH VÀ ĐIỀU TRA TÀI NGUYÊN NƯỚC MIỀN BẮC THƯ CHÚC MỪNG NĂM MỚI 2025
    Nhân dịp xuân mới 2025, thay mặt Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Bắc, Tôi…
    Thứ ba, 31 Tháng 12 2024
  • Hợp nhất hai Bộ TN&MT và Bộ NN&PTNT sẽ thành mô hình đáng tự hào trong kỷ nguyên phát triển mới
    Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng, trong bối cảnh đất nước đang bước vào kỷ nguyên phát triển…
    Chủ nhật, 22 Tháng 12 2024

CMNM 2025

17971122
Hôm nay
Trong tuần
Trong tháng
Tất cả
1287
249442
177239
17971122

Địa chỉ IP: 3.148.104.103
Giờ máy chủ: 2025-01-05 00:40:57

Who's Online

Đang có 494 khách và không thành viên đang online

nwater full2 backgroundTRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ LIÊN ĐOÀN QUY HOẠCH VÀ ĐIỀU TRA TÀI NGUYÊN NƯỚC MIỀN BẮC

Chịu trách nhiệm nội dung: Liên đoàn QH&ĐTTNN miền Bắc - Trung tâm QH&ĐTTNN quốc gia
Địa chỉ: Số 10 - Ngõ 42 - Phố Trần Cung - Phường Nghĩa Tân- Quận Cầu Giấy - TP.Hà Nội
Điện thoại: 024.38.362.947 - Fax: 024.37.560.035
Email: vpldtnnmb@gmail.com