Chuyển đổi số - động lực quan trọng phát triển lực lượng sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới

  • Thứ năm, 09 05 2024
  • Written by  https://www.monre.gov.vn/

Nhân dịp kỷ niệm 79 năm Ngày Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945-2/9/2024), Cổng Thông tin điện tử Bộ Tài nguyên và Môi trường trân trọng giới thiệu bài viết của GS.TS Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam với tựa đề "Chuyển đổi số - động lực quan trọng phát triển lực lượng sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới".

quoc-khanh-29824-2-1724939686702-1724939686836982842039-17251739795841250649079Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm phát biểu tại Chương trình kỷ niệm 79 năm Ngày Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945-2/9/2024) - Ảnh: TTXVN

1. Ngay sau khi giành được chính quyền, Đảng ta đã nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của việc phát triển lực lượng sản xuất và từng bước cải tạo, hoàn thiện quan hệ sản xuất. Quá trình này diễn ra qua nhiều giai đoạn, phản ánh sự vận động và phát triển không ngừng của Cách mạng Việt Nam.

Cách mạng tháng Tám năm 1945 mở ra trang sử mới cho sự phát triển của dân tộc trong điều kiện đất nước vừa giành độc lập đã phải bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ. Xuất phát điểm từ nền nông nghiệp lạc hậu, trải qua hàng nghìn năm phong kiến và hàng trăm năm thực dân đô hộ, Đảng ta đã thực hiện chính sách "người cày có ruộng" nhằm trao ruộng đất về tay nông dân, xóa bỏ chế độ sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất, hướng tới việc cải tạo quan hệ sản xuất, tạo tiền đề xây dựng phương thức sản xuất xã hội chủ nghĩa.

Giai đoạn 1954 - 1975, cách mạng nước ta tiến hành đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược, Cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và Cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam. Ở miền Bắc, lấy xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội làm trọng tâm, củng cố và hoàn thiện quan hệ sản xuất mới dựa trên ba trụ cột: chế độ công hữu, quản lý kế hoạch hóa tập trung và phân phối theo lao động [1], đã đưa lực lượng sản xuất phát triển vượt bậc.

Năm 1975, đất nước ta hoàn toàn thống nhất, mở ra chương mới trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đại hội lần thứ IV của Đảng năm 1976 trên cơ sở đánh giá đặc điểm lớn của đất nước đó là, từ nền kinh tế phổ biến là sản xuất nhỏ tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa; đã đề ra đường lối: kiên định chuyên chính vô sản, phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động, quyết tâm tiến hành đồng thời ba cuộc cách mạng: về quan hệ sản xuất, khoa học - kỹ thuật và tư tưởng văn hóa [2]. Trong đó, cách mạng khoa học - kỹ thuật là then chốt, đẩy mạnh công nghiệp hóa là nhiệm vụ trung tâm.

Từ năm 1979 đến trước Đại hội VI của Đảng năm 1986, đất nước ta đã trải qua những khủng hoảng nghiêm trọng, một phần nguyên nhân do sự thiếu đồng bộ giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất. Lực lượng sản xuất bị kìm hãm không chỉ trong trường hợp quan hệ sản xuất lạc hậu, mà cả khi quan hệ sản xuất có những yếu tố đi quá xa so với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất [3]. Từ nhận thức đúng đắn đó, Đại hội VI của Đảng đã quyết tâm tiến hành đổi mới toàn diện, lấy đổi mới kinh tế làm trọng tâm, chuyển đổi cơ cấu kinh tế, phát triển đa dạng các thành phần kinh tế, đổi mới cơ chế quản lý, xóa bỏ bao cấp, từng bước chuyển sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 05/4/1988 của Bộ Chính trị là bước đột phá về đổi mới quan hệ sản xuất trong nông nghiệp khi chính thức thừa nhận hộ gia đình là đơn vị kinh tế tự chủ và trao quyền sử dụng đất lâu dài cho nông dân, phù hợp với yêu cầu phát triển của lực lượng sản xuất [4]. Chỉ sau một năm thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị, Việt Nam từ một quốc gia thiếu lương thực triền miên đã sản xuất được 21,5 triệu tấn lúa và lần đầu tiên xuất khẩu 1,2 triệu tấn gạo. Việc điều chỉnh quan hệ sản xuất phù hợp đã tạo động lực mới cho lực lượng sản xuất phát triển, đưa đất nước vượt qua khủng hoảng, bước vào thời kỳ đổi mới toàn diện và hội nhập quốc tế.

cuoc-cach-mang-cong-nghiep-lan-thu-4-la-gi-17251744877761705981423Trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT), dữ liệu lớn và điện toán đám mây đang dần trở thành những công cụ sản xuất quan trọng trong nhiều ngành, lĩnh vực.

2. Bước sang thế kỷ 21, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn trong phát triển kinh tế - xã hội. Ước tính tốc độ tăng trưởng GDP bình quân giai đoạn 2021-2025 đạt 5,7-5,9%/năm, thuộc nhóm dẫn đầu khu vực và thế giới; quy mô nền kinh tế tăng 1,45 lần, ước đạt 500 tỷ USD vào năm 2025. Thu nhập bình quân đầu người tăng mạnh từ 3.400 USD đến khoảng 4.650 USD, đưa Việt Nam vào nhóm nước thu nhập trung bình cao vào năm 2025. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát; các chính sách điều hành linh hoạt, hiệu quả; vị thế, uy tín quốc tế ngày càng nâng cao; tốc độ tăng trưởng kinh tế duy trì ở mức cao, đời sống Nhân dân được cải thiện đáng kể.

Lực lượng lao động ước đạt 53,2 triệu người vào năm 2025, với cơ cấu chuyển dịch tích cực; tỷ lệ lao động nông nghiệp giảm mạnh, còn 25,8%; chất lượng nguồn nhân lực không ngừng nâng cao với 70% lao động qua đào tạo. Nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong các lĩnh vực then chốt, như công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, công nghệ thông tin được tập trung phát triển, bước đầu hình thành đội ngũ lao động với tư duy số và kỹ năng số ngày càng được nâng cao.

Trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT), dữ liệu lớn và điện toán đám mây đang dần trở thành những công cụ sản xuất quan trọng trong nhiều ngành, lĩnh vực. Kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng số, đang được đầu tư phát triển mạnh mẽ. Mạng lưới viễn thông và internet băng thông rộng phủ sóng rộng khắp cả nước, tạo nền tảng phát triển kinh tế số, xã hội số.

Tuy nhiên, chúng ta cũng phải đối mặt với những thách thức mới. Quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế đặt ra yêu cầu cấp thiết nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Cách mạng công nghiệp lần thứ tư diễn ra mạnh mẽ, sự phát triển công cụ sản xuất trong nền kinh tế số tạo ra biến đổi sâu sắc của lực lượng sản xuất, dẫn đến những mâu thuẫn mới với quan hệ sản xuất hiện hữu; vừa tạo tiền đề, động lực hình thành phương thức sản xuất mới trong tương lai, vừa đòi hỏi thay đổi căn bản cách thức tổ chức sản xuất và quản lý xã hội. Lực lượng sản xuất mới đang hình thành và phát triển mạnh mẽ; song chất lượng nguồn nhân lực vẫn còn khoảng cách so với yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới, trong khi đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực công nghệ cao, vẫn là thách thức lớn. Quan hệ sản xuất còn nhiều bất cập, chưa theo kịp sự phát triển của lực lượng sản xuất.

Trong đó, cơ chế, chính sách, pháp luật chưa thực sự đồng bộ, còn chồng chéo, chưa tạo môi trường thực sự thuận lợi để thu hút nguồn lực của các nhà đầu tư trong và ngoài nước cũng như trong Nhân dân; tổ chức thực thi pháp luật, chính sách vẫn là khâu yếu.

Công tác sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, giảm đầu mối, giảm cấp trung gian còn bất cập, một bộ phận còn cồng kềnh, chồng lấn giữa lập pháp và hành pháp, chưa thực sự đáp ứng yêu cầu nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý. Một số bộ, ngành còn ôm đồm nhiệm vụ của địa phương, dẫn đến tồn tại cơ chế xin, cho, dễ nảy sinh tiêu cực, tham nhũng. Công tác tinh giản biên chế gắn với vị trí việc làm, nâng cao chất lượng và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ công chức, viên chức còn thiếu triệt để.

Công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số còn hạn chế. Vẫn tồn tại những thủ tục hành chính rườm rà, lạc hậu, qua nhiều khâu, nhiều cửa, mất nhiều thời gian, công sức của người dân và doanh nghiệp, dễ nảy sinh tham nhũng vặt, cản trở phát triển. Việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa hệ thống thông tin của các bộ, ngành, địa phương và cơ sở dữ liệu quốc gia chưa thông suốt; nhiều dịch vụ công trực tuyến chất lượng thấp, tỷ lệ người sử dụng chưa cao; việc tổ chức vận hành bộ phận "một cửa" các cấp ở nhiều nơi chưa hiệu quả.

Dựa trên nền tảng lý luận của chủ nghĩa Mác-Lênin, chúng ta nhận thức rõ rằng, trong mối quan hệ giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất thì lực lượng sản xuất đóng vai trò quyết định sự phát triển của quan hệ sản xuất, quan hệ sản xuất phải không ngừng được điều chỉnh để phù hợp với trình độ ngày càng cao của lực lượng sản xuất. Khi quan hệ sản xuất không theo kịp sự phát triển của lực lượng sản xuất, nó sẽ trở thành lực cản, kìm hãm sự phát triển tiến bộ của toàn bộ phương thức sản xuất, từ đó ảnh hưởng đến sự phát triển chung của đất nước.

chuyen-doi-so-16609887995321082627469-17251746044411854418750Chuyển đổi số không đơn thuần là việc ứng dụng công nghệ số vào các hoạt động kinh tế - xã hội, mà còn là quá trình xác lập một phương thức sản xuất mới tiên tiến, hiện đại - "phương thức sản xuất số"

3. Chúng ta đang đứng trước yêu cầu phải có một cuộc cách mạng với những cải cách mạnh mẽ, toàn diện để điều chỉnh quan hệ sản xuất, tạo động lực mới cho phát triển. Đó là cuộc cách mạng chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ nhằm tái cấu trúc quan hệ sản xuất phù hợp với sự tiến bộ vượt bậc của lực lượng sản xuất. Chuyển đổi số không đơn thuần là việc ứng dụng công nghệ số vào các hoạt động kinh tế - xã hội, mà còn là quá trình xác lập một phương thức sản xuất mới tiên tiến, hiện đại - "phương thức sản xuất số", trong đó đặc trưng của lực lượng sản xuất là sự kết hợp hài hòa giữa con người và trí tuệ nhân tạo; dữ liệu trở thành một tài nguyên, trở thành tư liệu sản xuất quan trọng; đồng thời quan hệ sản xuất cũng có những biến đổi sâu sắc, đặc biệt là trong hình thức sở hữu và phân phối tư liệu sản xuất số.

Sự thay đổi trong quan hệ sản xuất sẽ tác động mạnh đến kiến trúc thượng tầng, mở ra phương thức mới trong quản trị xã hội, tạo ra những công cụ mới trong quản lý nhà nước, làm thay đổi căn bản cách thức tương tác giữa nhà nước và công dân, giữa các tầng lớp xã hội. Quá trình chuyển đổi số cần được thực hiện toàn diện, đồng bộ, có tính đến mối quan hệ biện chứng giữa cơ sở hạ tầng và kiến trúc thượng tầng, nhằm xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, vừa phát huy sức mạnh của lực lượng sản xuất hiện đại, vừa đảm bảo bản chất tốt đẹp của chế độ xã hội chủ nghĩa, phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam trong thời đại mới. Muốn vậy, người đứng đầu cấp uỷ Đảng, chính quyền, cơ quan, doanh nghiệp và người dân phải nhận thức đầy đủ, thống nhất, có trách nhiệm và quyết tâm thực hiện quá trình chuyển đổi số; đồng thời cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm, sau đây:

Thứ nhất, hoàn thiện thể chế và hệ thống pháp luật, kiên định mục tiêu xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đồng thời không ngừng đổi mới để bắt kịp xu thế phát triển của thời đại. Tập trung xây dựng hành lang pháp lý cho nền kinh tế số, tạo nền tảng để Việt Nam nắm bắt cơ hội từ Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Có cơ chế, chính sách mạnh mẽ thúc đẩy chuyển đổi số trong mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội, khuyến khích đổi mới sáng tạo, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Thường xuyên rà soát, sửa đổi kịp thời các quy định không còn phù hợp, tạo hành lang cho các mô hình kinh tế mới như kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn, trí tuệ nhân tạo... đảm bảo khung pháp lý không trở thành rào cản của sự phát triển, đồng thời bảo đảm an ninh quốc gia, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp.

Thứ hai, khơi thông và phát huy tối đa mọi nguồn lực xã hội, đẩy nhanh hiện đại hóa. Có cơ chế, chính sách phù hợp huy động nguồn lực to lớn trong Nhân dân, doanh nghiệp và các thành phần kinh tế; nguồn lực từ đất đai, tài sản trong xã hội mà người dân đang tích luỹ, biến những tiềm năng này thành động lực, tư liệu sản xuất, để sản xuất ra nhiều của cải vật chất cho xã hội. Tạo môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch, thu hút mạnh mẽ nguồn vốn trong và ngoài nước cho phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Phát huy tối đa nguồn lực con người - nhân tố quyết định của sự nghiệp đổi mới. Có cơ chế đột phá thu hút nhân tài trong và ngoài nước; xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực có kiến thức, kỹ năng và tư duy đổi mới, sáng tạo, đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế số và Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Thứ ba, cải cách, xây dựng bộ máy nhà nước tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Cắt giảm đầu mối trung gian không cần thiết, sắp xếp tổ chức theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát, xác định rõ trách nhiệm giữa Trung ương và địa phương, giữa các cấp chính quyền địa phương, giữa người quản lý và người lao động. Hoàn thiện cơ chế kiểm tra, giám sát, bảo đảm sự thống nhất trong quản lý nhà nước và phát huy tính chủ động, sáng tạo của các địa phương. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng nền tảng số kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan, tổ chức. Mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam sẽ đứng trong nhóm 50 quốc gia hàng đầu thế giới và xếp thứ 3 trong ASEAN về chính phủ điện tử, kinh tế số. Trong quá trình cải cách, bám sát nguyên tắc Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ. Việc tinh gọn bộ máy phải nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội.

Thứ tư, đẩy mạnh chuyển đổi số gắn với bảo đảm an ninh, an toàn là tất yếu khách quan để Việt Nam bứt phá trong kỷ nguyên mới. Tập trung xây dựng xã hội số, số hóa toàn diện hoạt động quản lý nhà nước, cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ cao. Kết nối đồng bộ các cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đất đai, doanh nghiệp, tạo nền tảng tinh gọn bộ máy, cải cách thủ tục hành chính thực chất. Phát triển kinh tế số tạo động lực mới cho tăng trưởng; thúc đẩy ứng dụng công nghệ số trong mọi ngành, lĩnh vực, tạo ra các mô hình kinh doanh mới. Phát triển công dân số, trang bị kiến thức, kỹ năng cần thiết để người dân tham gia hiệu quả vào nền kinh tế số và xã hội số, bảo đảm không ai bị bỏ lại phía sau.

Đất nước ta đang đứng trước vận hội mới, vừa là thời cơ đồng thời cũng là thách thức trên con đường phát triển. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, với sự đồng lòng, chung sức của toàn Đảng, toàn dân và cả hệ thống chính trị, chúng ta nhất định sẽ thực hiện thành công cuộc cách mạng chuyển đổi số, tạo ra bước đột phá trong phát triển lực lượng sản xuất và hoàn thiện quan hệ sản xuất, đưa đất nước ta, dân tộc ta vươn mình vượt bậc trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của tiên tiến, văn minh, hiện đại./.

GS.TS Tô Lâm

Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam

Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

Read 702 times
Rate this item
(1 Vote)
  • Tin xem nhiều nhất
  • Tin mới nhất
  • Gặp mặt nguyên các lãnh đạo Liên đoàn nhân dịp đón xuân Tân Sửu 2021
    Nhân dịp đón xuân mới, Xuân Tân Sửu– 2021, sáng ngày 28/01/2021, tại trụ sở Liên đoàn số 10, ngõ…
    Thứ năm, 28 Tháng 1 2021
  • THÔNG BÁO TUYỂN DỤNG
    Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Bắc thông báo tuyển dụng viên chức năm 2021…
    Thứ sáu, 02 Tháng 4 2021
  • Nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật mừng Đảng, mừng Xuân
    Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức chuỗi chương trình nghệ thuật mừng Đảng, mừng Xuân Quý…
    Thứ bảy, 21 Tháng 1 2023
  • Happy New Year 2025 from NVWATER
    On the occasion of the New Year 2025, on behalf of the Northern Division for Water Resources Planning and Investigation…
    Thứ ba, 31 Tháng 12 2024
  • LIÊN ĐOÀN QUY HOẠCH VÀ ĐIỀU TRA TÀI NGUYÊN NƯỚC MIỀN BẮC THƯ CHÚC MỪNG NĂM MỚI 2025
    Nhân dịp xuân mới 2025, thay mặt Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Bắc, Tôi…
    Thứ ba, 31 Tháng 12 2024
  • Hợp nhất hai Bộ TN&MT và Bộ NN&PTNT sẽ thành mô hình đáng tự hào trong kỷ nguyên phát triển mới
    Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng, trong bối cảnh đất nước đang bước vào kỷ nguyên phát triển…
    Chủ nhật, 22 Tháng 12 2024

CMNM 2025

17972338
Hôm nay
Trong tuần
Trong tháng
Tất cả
2503
250658
178455
17972338

Địa chỉ IP: 3.147.76.250
Giờ máy chủ: 2025-01-05 01:12:37

Who's Online

Đang có 630 khách và không thành viên đang online

nwater full2 backgroundTRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ LIÊN ĐOÀN QUY HOẠCH VÀ ĐIỀU TRA TÀI NGUYÊN NƯỚC MIỀN BẮC

Chịu trách nhiệm nội dung: Liên đoàn QH&ĐTTNN miền Bắc - Trung tâm QH&ĐTTNN quốc gia
Địa chỉ: Số 10 - Ngõ 42 - Phố Trần Cung - Phường Nghĩa Tân- Quận Cầu Giấy - TP.Hà Nội
Điện thoại: 024.38.362.947 - Fax: 024.37.560.035
Email: vpldtnnmb@gmail.com